Phát triển ngành công nghiệp ôtô: Đường còn xa

14/06/2006
: 14566

Tuy nhiên, để có ngành công nghiệp ôtô thực sự, VN còn phải đi quãng đường xa.

Nội địa hóa: không dễ!

Với kỳ vọng sớm có ngành công nghiệp ôtô thực sự, hơn 10 năm qua, nhà nước đã có nhiều ưu đãi mang tính “bảo hộ” cho các liên doanh sản xuất ôtô, với lời “cam kết” ban đầu là sẽ nội địa hóa 30% - 40% sau 10 năm đầu tư vào VN.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này lời hẹn trên hầu như chỉ là lời hứa, họa hoằn lắm mới có vài đơn vị thực hiện lời hứa, “nội địa hóa” với tỷ lệ chưa đến 20%. Về dòng xe du lịch, có nhiều liên doanh cho rằng sản xuất các loại phụ tùng, linh kiện là rất khó.

Đồng thời, cũng có quan điểm không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất phụ tùng cho mình vì tính độc lập, bí mật công nghệ, kinh doanh, lợi nhuận, đánh giá năng lực.

Đối với lĩnh vực ôtô thương mại, xe tải, xe khách - thị phần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước - xem ra khả quan hơn khi đã có những doanh nghiệp đã đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 40% nhưng nhìn lại mấy mươi phần trăm đó cũng chỉ nằm gọn trong mấy chữ: sơn, gò, hàn, lắp ráp hoặc cũng có khả năng sản xuất được một số phụ tùng xe nhưng chỉ là những linh kiện nhỏ như ghế, kính... đó chỉ là những việc nhỏ trong tổng thể ngành công nghiệp ô tô.

Biết là nhỏ nhưng dù muốn làm hơn, các doanh nghiệp lắp ráp có tâm huyết với việc nội địa hóa cũng đành “lực bất tòng tâm” khi hệ thống mạng lưới sản xuất phụ tùng linh kiện của ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Theo ông Nguyễn Xuân Chuẩn, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ôtô nhưng cho đến nay chúng ta vẫn còn rất yếu mảng này. Chẳng hạn như thép để làm xi lanh, piton, trục khuỷu… thì đòi hỏi chất liệu phải khác nhưng ở nước ta hiện nay chỉ mới làm được thép xây dựng. Đó là chưa nói tới nhôm, thép gió, thép cứng, lá kim đánh lửa… cũng chưa sản xuất được; sơn điện ly cũng phải nhập khẩu.

Ông Chuẩn nói: “Điều quan trọng nhất để khắc phục những cái thiếu này theo tôi là các doanh nghiệp lắp ráp và các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng trong nước phải tìm đến nhau, kết hợp với nhau nhiều hơn, vì có cung ắt có cầu tạo điều kiện để cùng nhau phát triển…”. Cũng theo ông, chúng ta có thể đi từ lắp ráp và hầu hết muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô đều phải như vậy.

Ôtô VN không có lợi thế về nội địa hóa nhưng có điều kiện để thực hiện việc nội địa hóa đó ở những mức độ khác nhau. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), cho rằng điều quan trọng là phải xóa bỏ tư tưởng làm được một chiếc xe 100% VN mà phải từ từ trở thành một mắt xích của ngành công nghiệp ôtô của khu vực hay toàn cầu. Từ mắt xích đó mới có cơ sở tiến tới làm được, sản xuất được những chi tiết cơ bản.

Có nên “đeo đuổi” công nghiệp ôtô?

Theo TS Trần Du Lịch (Viện Kinh tế TP.HCM), với xu thế phát triển ngày càng cao, càng hiện đại của ngành công nghiệp ô tô thế giới hiện nay thì VN đừng nên cố gắng tạo ra “ôtô của mình”. Thực tế cho thấy, hiện nay chúng ta chưa có một nền công nghiệp ôtô thực sự mà đơn thuần chỉ là ngành lắp ráp ôtô, mà lắp ráp cũng chưa đầy đủ. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào chiều sâu của lắp ráp chứ chưa nói đến sản xuất, nghiên cứu.

Điều đáng lưu ý của ngành sản xuất này là nghiên cứu rồi mới đến sản xuất nhưng ở VN cho đến nay dường như chỉ mới chú trọng phát triển “phần cứng” còn “phần mềm” lại bỏ trống. Mà để phát triển ngành công nghiệp ô tô, theo kinh nghiệm của các nước, vai trò của “phần mềm” chiếm đến 80% với thời gian đầu tư dài cả hàng trăm năm. Cũng theo ông, xét từ nhiều góc độ, chúng ta không nên theo đuổi nền công nghiệp ô tô một cách miễn cưỡng.

Ở một góc độ khác, theo tính toán của các nhà khoa học, năng lượng dầu mỏ chỉ có thể tồn tại thêm 50 năm tiếp theo và hiện tại đã xuất hiện những chiếc ôtô được vận hành bằng tích hợp hydro mà những giọt nước thải có thể … uống được! Đến khi VN sản xuất được ôtô truyền thống thì nhân loại đã đi bằng thứ khác.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng: “Các tập đoàn ôtô thường mang tính toàn cầu trong việc cung ứng phụ tùng, linh kiện, vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách làm khác hiệu quả hơn cho ôtô VN là nên nhận dạng lại xu thế ô tô thế giới và bắt đầu một chiến lược dài hạn”. Theo đó nên dừng lại ở lắp ráp và hướng vào những thị trường ngách của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu như tham gia sản xuất lốp hay ắc quy bình điện, vải bạt, vải bố hay một số chi tiết khác thay vì ôm đồm có một ngành công nghiệp ô tô đầy đủ phụ tùng?

(Theo Tuoi Tre Online)