Sắp xếp lại trật tự hoạt động vận tải: Lợi ích cộng đồng phải đặt cao nhất

09/03/2016
: 4225

     TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp với hy vọng giải quyết căn cơ vấn nạn “bến cóc, xe dù” đã tồn tại gần 30 năm nay. Đây là quyết định đúng đắn nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, thế nhưng, theo nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, giải pháp nào cũng nên lấy lợi ích cộng đồng làm trọng tâm, đồng thời hướng tới việc xây dựng TPHCM hiện đại, văn minh.

Xe khách tuyến Bến xe Quảng Phú - Bến xe miền Đông đón khách tại góc ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Duy Dương sáng 7-3-2016 Ảnh: Cao Minh

     Hơn 50.000 người đến các bến xe mỗi ngày

     Chiều cuối tuần (ngày 4-3-2016), cả hai bến xe khách liên tỉnh lớn nhất của TPHCM là Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây vẫn có nhiều xe xuất và cập bến. Tại vị trí bán vé, đón khách của nhiều doanh nghiệp vận tải có thương hiệu tốt như Phương Trang, Kumho…, có khá nhiều người ngồi đợi để lên xe. Tại phòng chờ của Phương Trang, làn gió mát lạnh xua đi cái nóng hầm hập buổi chiều, ghế ngồi dành cho hành khách sạch sẽ… Tôi bắt chuyện với chị Nguyễn Thị Vân, (quê Cần Thơ), công nhân Khu chế xuất Tân Thuận. Chị cho biết, từ quận 7, chị đi xe ôm tới trạm trung chuyển của Phương Trang trên đường Lê Hồng Phong và được xe trung chuyển đưa ra Bến xe miền Tây để chuẩn bị lên xe về nhà. Tôi gợi chuyện: “Đi xa vậy có mệt không?”, “Phải trung chuyển mấy chặng, cũng mệt”. “Có xe hợp đồng sẵn sàng đến tận nhà đón và cũng trả khách đến tận nhà (với điều kiện nhà ở ngay Cần Thơ), sao không đi cho tiện?”. Chị Vân nói: “Đi xe này quen rồi”.

     Không chỉ riêng hãng xe Phương Trang, Kumho, nhiều doanh nghiệp vận tải tại hai bến xe nêu trên có dịch vụ phục vụ hành khách rất tốt. Phòng chờ có máy lạnh, nước uống, khăn lạnh, báo đọc và tivi mở liên tục… Nhiều hãng vận tải còn đầu tư cả nhà vệ sinh riêng khá sạch sẽ, phục vụ miễn phí cho khách. Hai bến xe cũng có nhiều dịch vụ phục vụ khách hàng, nhiều quán cà phê, cơm, hủ tiếu… được bày bán sạch sẽ với giá rất phải chăng. Trước đây, Bến xe miền Đông còn mở cả một siêu thị trên lầu 1 để phục vụ khách hàng. Tiếc rằng, nay siêu thị đã bị thu hẹp nhiều bởi lượng hàng khách tới các bến xe ngày càng giảm.

     Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bến xe miền Tây cho hay, trung bình mỗi ngày bến xe vẫn đón hơn 25.000 hành khách. Vào những ngày cao điểm, bến xe phục vụ gần 60.000 hành khách/ngày. Còn tại Bến xe miền Đông, trung bình mỗi ngày đón gần 21.000 hành khách; những ngày cao điểm, bến xe phục vụ gần 53.000 người/ngày. Ngoài hai bến xe liên tỉnh lớn nhất này, TPHCM còn có Bến xe Ngã tư Ga, với lượng khách trung bình mỗi ngày hơn 8.000 người, vào lúc cao điểm có thể phục vụ tới gần 16.000 người/ngày. Con số này đã giảm hơn trước khá nhiều, do ngày càng có nhiều hành khách không muốn ra bến đón xe. Thế nhưng, so với nhiều “bến cóc, xe dù” trong nội thành, lượng hành khách tới hai bến xe vẫn cao hơn rất nhiều. Như vậy, có nghĩa vẫn còn nhiều hành khách sẵn sàng đi ra bến xe liên tỉnh.

     Nếu tất cả… đổ vào thành phố

     
     
     
 

     Sở Giao thông Vận tải TPHCM cùng các sở ngành chức năng đang rà soát lại một số cơ sở kho bãi của Nhà nước sử dụng không hiệu quả để cho doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh thuê làm bến bãi đón khách, đồng thời với việc nghiên cứu tính toán thêm các điểm dừng đón khách trên một số tuyến đường như Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt… trùng với các trạm dừng, nhà chờ của xe buýt để hành khách có thể sử dụng xe buýt đến các điểm đón trả khách của xe liên tỉnh và ngược lại… Đây là sự quan tâm của chính quyền TPHCM trước nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả các điểm này nên nằm ngoài “vành đai” cấm xe trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe du lịch…) lưu thông mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang dự kiến triển khai.

 
     
     

     Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, năm vừa qua trên địa bàn TPHCM không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, nhưng lại xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, không chỉ vào giờ cao điểm mà có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, ở hầu hết các tuyến đường huyết mạch của thành phố. Hãy tưởng tượng, trong tình trạng giao thông như trên, các điểm đón trả khách trong nội thành lại “mọc” thêm để đáp ứng nhu cầu “ngại” (nếu có) đi ra bến xe (nằm ở xa) của hơn 50.000 người thì “sẽ thật là tai họa cho giao thông thành phố”, một chuyên gia về quản lý đô thị xin được phép giấu tên, nhận xét.

     Một lãnh đạo một trong những doanh nghiệp vận tải hàng đầu ở Việt Nam cũng cho rằng, hành khách đi xe liên tỉnh nên ra các bến xe liên tỉnh để đón xe. Doanh nghiệp của ông hiện cũng có 3 - 4 điểm đón hành khách trong nội thành TPHCM. Trung bình mỗi ngày, tại các điểm này đã có hàng ngàn hành khách đến và được xe trung chuyển của doanh nghiệp đưa ra hai bến xe. “Việc mở các điểm tiếp nhận rồi dùng xe trung chuyển đưa hành khách ra bến xe liên tỉnh làm phát sinh rất nhiều chi phí. Bớt được chi phí này, không những doanh nghiệp vận tải mà người dân cũng được lợi, bởi họ sẽ có cơ hội được giảm giá vé. Giao thông thành phố sẽ bớt quá tải vì bớt được lượng xe trung chuyển hoạt động liên tục. Xe buýt từ trung tâm TP ra các bến xe cũng sẽ có cơ hội phát triển nếu đảm nhận tốt công việc đưa hành khách từ nội thành ra bến xe và ngược lại”, vị lãnh đạo này lý giải cho quan điểm của mình.

     Không thể vì thói quen “ngại đi xa” của một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông chung của thành phố. Chưa kể, tại các bến xe, như đã nêu ở trên, chất lượng phục vụ hành khách của nhiều doanh nghiệp vận tải rất tốt. Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và Du lịch TPHCM, nếu có sự quyết tâm, phối hợp đồng bộ của ba lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong việc xử lý nghiêm tình trạng “bến cóc xe dù” thì vấn nạn này sẽ được giải quyết.

     Theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đã được Chính phủ phê duyệt, hai bến xe khách liên tỉnh lớn nhất TPHCM sẽ di dời ra xa hơn vị trí hiện nay cả chục kilômét. Với vị trí hiện nay, một số hành khách đã ngại đi xa và ngành chức năng chưa giải quyết được rốt ráo thì sau này, hai bến xe khách liên tỉnh mới sẽ hoạt động ra sao? Thiết nghĩ, giải quyết bất cứ việc gì cũng phải đặt lợi ích cộng đồng và sự phát triển bền vững, không ùn ứ, kẹt xe… của thành phố lên trên hết.

NGUYỄN KHOA

 

Cấm chỗ này, xe chạy chỗ khác

     (SGGP).- Sau khi Sở Giao thông Vận tải TPHCM cắm biển cấm xe khách dừng, đậu để trả khách trên 4 tuyến đường “nổi cộm” về tình hình vi phạm đậu xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Đề Thám (quận 1) và Lê Hồng Phong (quận 5 và quận 10), hiện tại, tình hình giao thông ở khu vực 4 tuyến đường này rất thông thoáng và trật tự. Tuy nhiên, người dân sinh sống trên các đường Phó Đức Chính, Ký Con, Yersin... lại khốn khổ vì các nhà xe mở điểm mới, xe đổ dồn về đường Ký Con khiến giao thông nơi đây ùn ứ, đi lại khó khăn. Tại khu vực đường Trần Phú, Nguyễn Hữu Trí, Ngô Quyền, Ngô Gia Tự, Đào Duy Từ, các nhà xe Thanh Thủy, Kim Hoàng... cũng vô tư đậu từ sáng đến chiều.

     Nơi những chiếc xe này đậu hầu như trở thành đường một chiều bất đắc dĩ. Ngoài ra, trên đại lộ Mai Chí Thọ đoạn từ nút giao với đường Trần Não (quận 2) đến hầm Thủ Thiêm và Võ Văn Kiệt có hàng chục xe khách đậu thành hàng dài như xe Phương Nam, Hoa Mai, Toàn Thắng, Hạnh cafe... Các xe này chủ yếu chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Nhiều nhà xe khác cũng lợi dụng biển cho đậu xe ở đây để lập điểm chờ rước khách. Tại đây, nhà xe Hoa Mai bố trí nhân viên, kê bàn ngay trên vỉa hè để điều hành xe và làm thủ tục đón khách. Khi có nhiều hành khách đến, nhân viên gọi điện thông báo cho tài xế đậu xe gần đó đến đón. Nhân viên xe Hoa Mai cho biết, hành khách có thể đi tại đây (điểm đón trả khách trên đại lộ Mai Chí Thọ) hoặc vào trạm trong đường Nguyễn Thái Bình cũng được. Không cần mua vé trước, lên xe trả tiền.

     Nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng, để việc cấm trên mang lại hiệu quả thì TP phải đáp ứng các điểm dừng đậu khách đối với xe hợp đồng và tuyến cố định. Còn không, hậu quả nhãn tiền là xe sẽ chuyển từ đường này sang đường khác chứ không mất đi; tình trạng mất an toàn giao thông cũng chỉ bị “di dời” địa điểm chứ không dứt hẳn. Để khu trung tâm TP không còn cảnh đưa rước khách mất an toàn giao thông, TP nhất thiết phải khắc phục những bất cập trong quy hoạch ngành nghề song song với quy hoạch giao thông, để tiến tới điều chỉnh quy hoạch tổng thể sao cho hợp lý. Cụ thể, đã đến lúc TP nên cấm tất cả xe khách vào khu trung tâm và trước khi thực hiện lệnh cấm này, TP phải quy hoạch được một khu tập trung cho các hãng du lịch lữ hành hoạt động để không ảnh hưởng đến du lịch (một nguồn thu không nhỏ của TP). Nếu không làm được việc này thì việc cấm trên khó phát huy hiệu quả, không thể giảm áp lực giao thông cho khu trung tâm vốn đã quá căng thẳng.

QUỐC HÙNG


Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng