Sau WTO: Có mua ngay được xe giá rẻ?

14/11/2006
: 15151

Áp thuế ngay là giá xe rẻ

Phân tích của giới kinh doanh ô tô, vào WTO ngành ô tô trong nước đang đứng trước một “sân chơi” về thuế hết sức nghiệt ngã. Theo cam kết hội nhập WTO, đến đầu tháng 1-2009 Việt Nam mới chính thức mở cửa thị trường ô tô, xe máy.

Biểu thuế mà Bộ Tài chính cam kết về hàng hóa đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là 47%, 52% và 70% và được tính theo dung tích xilanh.

Theo phân tích của các chuyên gia, thì với mức thuế mới này (đối với xe du lịch) chênh lệch giữa thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt giữa dòng xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu là không lớn. Nếu vậy, người tiêu dùng mua xe nhập khẩu sẽ có giá rẻ hơn, được dùng xe “hàng hiệu”, thậm chí nếu chọn mua xe có dung tích xilanh càng nhỏ thì giá càng rẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng sẽ mua được xe giá rẻ trong năm tới nếu nhà nước áp dụng ngay mức thuế trên vào năm 2007, nhưng nếu chờ theo đúng lộ trình thì vẫn còn “hãy đợi đấy”. Có được áp mức thuế mới ngay hay không? Một liên doanh sản xuất ô tô thuộc VAMA cho rằng nếu áp thuế mới ngay và không được bảo hộ thêm nhiều năm nữa thì ngay lập tức hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước sẽ phải đóng cửa-nhất là xe du lịch và 5 chỗ trở xuống.

Theo doanh nghiệp này, nếu hội nhập sớm ngay bây giờ thì chí ít mỗi đơn vị sản xuất phải có sản lượng lớn và tiêu thụ ít nhất 1.000 xe/năm thì họa may mới cạnh tranh được. Nhưng với thực trạng hạ tầng còn kém, việc sử dụng ô tô với người dân còn xem là xa xỉ, nếu sản xuất ra nhiều thì bán cho ai, chưa nói là gần 2 năm nay thị trường ô tô du lịch hầu như tê liệt.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp cho rằng: “Gia nhập WTO, các doanh nghiệp ô tô vẫn cạnh tranh tốt”. Về mặt quản lý nhà nước là đúng, tuy nhiên trên thực tế, có nhiều liên doanh đã tính giá xe xuống “sát đáy” vẫn không tiêu thụ được, nhiều lắm mỗi tháng bán được mươi chiếc là cùng.

Có nhiều đơn vị trong kế hoạch “mật” của mình hiện đang “ngắm” tới việc bán đi các miếng đất nhà xưởng để tháo chạy khỏi lĩnh vực ô tô.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu thực trạng đúng như thế này thì hơn 10 năm qua việc nhà nước bảo hộ để mong có được một nền công nghiệp ô tô đã trở thành vô nghĩa, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị hy sinh một cách vô ích? Như vậy, một câu trả lời tạm với người tiêu dùng: Dù đã vào WTO nhưng chí ít trong 2 năm tới giá ô tô trong nước vẫn không giảm.

Xe tải, xe khách giá cũng tăng 

Ở lĩnh vực xe tải, xe khách do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, lắp ráp, tình hình giá cả cũng không sáng sủa hơn. Về xe tải sản xuất, lắp ráp trong nước hiện có khoảng 40 doanh nghiệp vào cuộc và giá xe nhờ cạnh tranh đã thấp sát đáy. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách nghiêm túc, ngoài các dòng xe nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, thì thị trường lắp ráp xe tải Trung Quốc trong nước chiếm đến 50%.

Một doanh nghiệp sản xuất xe tải cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là những lợi thế về mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện không còn như cũ 5% mà thay vào đó năm 2007 sẽ tăng lên do thay đổi cách tính thuế phụ tùng (trung bình là 18%).

Theo ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải: “Chúng tôi đã đưa giá xe thấp xuống nhưng với thực tế này không làm khác được vì thời gian qua chúng tôi đã cạnh tranh nhau đưa giá xuống sát đáy. Với cách tính thuế mới này, năm 2007 giá xe tải, xe khách sẽ tăng lên ít nhất là 10%”.

Theo các nhà phân tích, một con đường để họ không tăng giá là chỉ có cách tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhưng với tình hình thị trường như thế này cùng với tiềm lực của các doanh nghiệp có hạn thì khó có thể bù đắp để kéo giá xe xuống.

Bởi vì, với một thị trường nhỏ, đầu tư manh mún, nếu mỗi doanh nghiệp đều cố gắng đầu tư nội địa hóa sẽ tự gây khó khăn cho mình hơn - nếu họ không tìm được sự liên kết, tìm được thị trường đầu ra cho từng linh kiện do mình sản xuất.

Cũng theo các doanh nghiệp, điều mà họ lo sợ nhất sắp tới là khi xe tải Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc tràn vào thì trong phút chốc sẽ “nhấn chìm” cả thị trường ô tô tải trong nước, vì dòng xe này đang rất có thế mạnh về giá, phù hợp với điều kiện địa hình Việt Nam.

Từ thực tế trên, có ý kiến cho rằng để có được xe tải, xe khách mang thương hiệu Việt - một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước - các doanh nghiệp đang rất cần được nhà nước hỗ trợ thêm một thời gian hợp lý để họ đủ sức “đề kháng” trước khi thật sự bước vào lộ trình giảm thuế.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập (WTO), Bộ Tài chính đã công bố Biểu cam kết về hàng hóa của Việt Nam trong WTO. Theo cam kết này, thuế nhập khẩu đối với ô tô con sẽ giảm theo lộ trình. Cụ thể: ô tô con dưới 2.500cc sẽ giảm còn 70% trong vòng 7 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO; ô tô con từ 2.500cc trở lên (loại chạy xăng) sẽ giảm còn 52% trong vòng 12 năm; ô tô con 2.500cc trở lên (loại 2 cầu) sẽ giảm xuống 47% trong vòng 10 năm.

Thuế nhập khẩu ô tô tải cũng sẽ giảm xuống mức 50%-70% trong thời gian 10 năm tới. Theo ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại) Phó Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO, kể từ ngày 1-1-2009, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ô tô, xe máy.

(theo SGGP)