TPHCM cần hơn 2 nghìn tỉ đồng đổi mới xe buýt

01/06/2012
: 13653

Hiện nay đội xe buýt đã xuống cấp không còn đáp ứng được yêu cầu về khí thải. 

Để đạt được mục tiêu “đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2015”, trong vòng ba năm tới TPHCM sẽ cần khoảng 2.624 tỉ đồng đổi mới xe buýt.

Trong đó chỉ riêng khoản hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho các nhà đầu tư thì ngân sách thành phố phải chi ít nhất là 845,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều vấn đề liên quan đến đề án “Đầu tư xe buýt giai đoạn 2012 – 2015” vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình lên UBND TPHCM chiều 30-5.

Tại cuộc họp với Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín để trình đề án trên vào chiều 30-5, ông Dương Hồng Thanh – Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM – cho biết thành phố đang có 2.951 xe buýt, trong đó loại trên 40 chỗ ngồi là 1.372 chiếc (46%) và loại từ 26 – 38 chỗ ngồi là 815 chiếc (28%). Hiện nay đội xe này đã xuống cấp và trừ 21 chiếc sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên CNG “đang hoạt động thí điểm” thì hầu hết số còn lại không còn đáp ứng được yêu cầu về khí thải.

Trong tình hình này, đề án nêu trên kiến nghị rằng từ nay đến 2015 thành phố cần thay mới và bổ sung thêm xe buýt để có được 3.115 chiếc các loại – trong đó loại xe 80 chỗ chạy bằng khí tự nhiên nén (CNG) sẽ là 300 chiếc. “Đến 2015 thì SAMCO sẽ nâng số đầu xe của mình từ 700 chiếc hiện nay lên 804 chiếc, số còn lại do các hợp tác xã và liên doanh đầu tư.

Riêng về xe chạy khí CNG mà giá thành ước từ 2,5 – 2,875 tỉ đồng/chiếc thì hiện có hai phương án. Một là SAMCO sẽ bỏ vốn làm hết 300 chiếc để thay thế dần xe chạy dầu diesel. Hai là SAMCO chỉ đầu tư trước 104 chiếc, số còn lại tính chuyện hợp tác với chủ đầu tư khác”, một lãnh đạo của SAMCO giải thích.

Trong cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu ông Thanh và đại diện các cơ quan, doanh nghiệp dự họp trình bày rõ lý do thay mới và tiêu chuẩn chọn loại xe… Không chỉ phân tích việc cần thiết phải chọn loại xe phù hợp với từng tuyến đường cụ thể, ông Tín cũng không đồng ý với đề xuất bỏ dần loại xe nhỏ 12 chỗ ngồi với lý do loại phương tiện này rất cơ động và phù hợp với những con đường nhỏ hẹp ở nội thành.

Về chính sách tài chính, Sở GTVT đề nghị vốn vay tín dụng sẽ chiếm 70% giá xe. Ứng với thời gian vay 7 năm, mức lãi suất 18%/năm sẽ được chia ra cho hai phía; doanh nghiệp chịu 5%/năm, còn lại sẽ là phần hỗ trợ lãi vay Nhà nước chịu.

Theo TBKTSG