Xe buýt chạy bằng khí CNG - Lợi cho môi trường và doanh nghiệp

29/08/2011
: 14862

Ngày 26-8, tại Công viên 23-9, TPHCM, UBNDTP và Sở Giao thông Vận tải chính thức khai trương tuyến xe buýt sạch đầu tiên (Sài Gòn - Bình Tây) chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG), loại nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt phát triển của loại hình vận tải hành khách công cộng, ghi dấu ấn quan trọng trong việc phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Tại hội thảo quốc tế về “Sử dụng khí thiên nhiên CNG cho các phương tiện giao thông vận tải”, ông Hyong Luu Jeon, Vụ phó Vụ Vận tải - Môi trường (Bộ Môi trường Hàn Quốc) cho biết, sử dụng khí nén CNG chi phí chỉ bằng khoảng 50% so với dùng xăng dầu nhưng lại giảm thiểu tới 35% khí hydro carbon, 62% oxide, 9% carbon oxide… thải ra môi trường.

Đồng quan điểm này, TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM, tính toán: giá 1 tấn khí CNG khoảng 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu. Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm tiết kiệm 8.308 USD nhiên liệu so với dầu diesel. Với 10.000 xe tại TPHCM, nếu chuyển sang sử dụng khí CNG sẽ tiết kiệm 83.080.000 USD mỗi năm. Như vậy, trong khoảng 3 năm, TPHCM sẽ tiết kiệm được 250 triệu USD.

Điều này chứng tỏ việc chuyển đổi xe buýt sử dụng diesel hiện tại sang sử dụng khí nén CNG không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm tiền bạc, giảm cước phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Máy bán vé tự động trên xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG).

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, chính từ những hiệu quả thiết thực nêu trên, từ hơn 3 năm trước, TPHCM đã hướng tới giải pháp đưa khí nén tự nhiên CNG vào sử dụng cho các loại phương tiện giao thông công cộng, bắt đầu từ xe buýt. Theo đề án “Đầu tư mới phương tiện xe buýt giai đoạn 2011-2015”, trong vòng 5 năm tới, TPHCM sẽ đầu tư 1.680 xe buýt, theo chủ trương “tăng xe nhỏ, giảm xe lớn” để phù hợp với đường sá và góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Cũng theo ông Dương Hồng Thanh, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xe buýt mới trong giai đoạn 2011 – 2015, TPHCM sẽ phát triển xe buýt theo hướng văn minh, nhân văn. Với chủ trương này, từ nay đến năm 2015, người dân TP không chỉ chứng kiến hình ảnh xe buýt “thay da đổi thịt” từng ngày mà còn hài lòng bởi cung cách phục vụ của ngành xe buýt.

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, phấn khởi cho biết, đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới đang được TP nỗ lực xúc tiến. Hiện nay 19 tuyến buýt với hàng trăm xe đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), phấn đấu tới cuối năm nay tất cả xe buýt còn lại sẽ được lắp đặt thiết bị này. Ngoài ra, từ nay tới cuối năm 2011, TP sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 240 nhà chờ xe buýt và đưa vào hoạt động 54 trạm thông tin xe buýt để hành khách tra cứu hành trình, tuyến xe...

Một số bến buýt nhỏ sẽ được mở tại quận 2 và huyện Hóc Môn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực và các trạm dừng, nhà chờ xe buýt mới sẽ được một số công ty nghiên cứu cách tân về mẫu mã. Với những nỗ lực đó, hy vọng xe buýt sẽ ngày càng thân thiện hơn với người dân TP và thu hút ngày càng nhiều người sử dụng phương tiện vận tải công cộng này.

CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane CH4 được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo nên khi đốt, hai loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi.

Công nghệ khí nén thiên nhiên CNG lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam bằng sự ra đời của Nhà máy khí thiên nhiên CNG tại khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 8-2008.

Ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng Giám đốc PV Gas South cho biết, hiện nay PV Gas South đã đầu tư nguồn cung cấp khí CNG bao gồm 1 trạm nén CNG (trạm mẹ) tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A với công suất 70 triệu m/năm. Ngoài ra, Công ty CP CNG Việt Nam (thành viên của PV Gas South) cũng đã đầu tư 1 trạm mẹ với công suất 30 triệu m/năm (dự kiến sẽ nâng công suất lên 50 triệu m/năm trong thời gian tới).

Đối với các trạm con (trạm nạp CNG dành cho các loại xe ô tô), tại TPHCM, PV Gas South hiện đã có 2 trạm nạp (1 trạm tại đường Phổ Quang, quận Tân Bình và 1 trạm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) với công suất nạp đáp ứng được hàng ngàn xe/ngày.

Bên cạnh đó, PV Gas South cũng sẵn sàng đón tiếp các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi cho các phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng dầu sang chạy bằng nhiên liệu CNG, và xây dựng thêm nhiều trạm nạp mới khi nhu cầu thị trường gia tăng…

Theo SGGP