Xe hơi giá rẻ chưa nổi đã tàn

30/08/2006
: 21381

Hồi tháng 5, công ty TMT thuộc tập đoàn công nghiệp ôtô VN Vinamotor còn hào hứng với kế hoạch cho ra đời loại xe du lịch 4 chỗ bằng hợp đồng hợp tác trị giá 10 triệu USD với một tập đoàn ôtô của Trung Quốc. Loại xe có tên gọi Tidy, dung tích xi lanh 1.0 và 1.3, giá bán khoảng 10.000 USD. Nay hỏi lại, ông chủ tịch hội đồng quản trị Vinamotor Nguyễn Văn Khoa xua tay: "Kế hoạch đổ bể rồi. VN gia nhập WTO làm sao bán được xe giá rẻ".

Không chỉ có Vinamotor, một doanh nghiệp khá tên tuổi khác là VinaXuki cũng quyết định gác lại dự án lắp ráp sản xuất xe 4 chỗ giá 176 triệu đồng, linh kiện nhập từ Trung Quốc. Vị phó giám đốc phụ trách kinh doanh cho hay, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh kiện đều thay đổi xoành xoạch nên doanh nghiệp không dám liều.

Lãnh đạo nhà máy ôtô Trường Hải tuyên bố chắc nịch: "Không có ý định làm xe con giá rẻ mà tập trung làm xe tải thật tốt đã".

Tuy VN chưa chính thức công bố nội dung cam kết gia nhập WTO với các đối tác, song nhiều doanh nghiệp đã nắm được thông tin thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ giảm xuống còn 50% vào năm 2010. Nếu VN thực hiện đầy đủ các cam kết thuế quan với ASEAN, mức thuế chỉ còn 0-5% vào năm 2015.

Một chuyên gia Hội kỹ sư ôtô VN tính toán, lắp ráp xe con không thể tận dụng dây chuyền cũ mà phải đầu tư mới từ đầu, thời gian tối thiểu để một nhà máy (đã có cơ sở hạ tầng) đi vào hoạt động mất khoảng 2 năm, sau 3 năm sử dụng mới kiểm nghiệm được chất lượng của xe. Từng đó thời gian đủ để hàng rào thuế quan hạ đến mức xe nhập vào VN ở model tương tự có giá hấp dẫn. Đó là chưa kể yếu tố người dân VN thường chấp nhận bỏ ra khoản tiền kha khá tậu một chiếc xe ngon để thể hiện bản thân.

Thuế nhập khẩu xe con giảm mạnh cũng là lý do được giới chuyên môn nêu ra lý giải cho việc chưa có tập đoàn Trung Quốc nào quyết định đầu tư vào VN. Trong cam kết WTO với Trung Quốc, VN cho phép nước bạn được lập liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn sản xuất xe con tại VN.

Tìm hướng mới 

Thị trường trong nước đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt khiến các doanh nghiệp phải tìm cách hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và có thêm đầu ra.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc VinaXuki cho hay đã đầu tư gần 20 triệu USD cho xưởng chế tạo khuôn mẫu và hệ thống máy dập hiện đại. Nhà máy đã nội địa hóa được toàn bộ cabin, thùng, chassi với giá thấp hơn nhập khẩu tới 40%.

Ông Huyên còn ấp ủ kế hoạch liên kết xây dựng nhà máy sản xuất động cơ trong nước với công suất 50.000 chiếc/năm. Bản thân ông và các cộng sự đã nhiều lần đi khảo sát tại Đức và đặt vấn đề hợp tác chuyển giao công nghệ với một hãng có tên tuổi. Nhà máy có vốn đầu tư ước chừng 1.800- 2.000 tỷ đồng, sản xuất động cơ sử dụng cho xe tải và xe 8 chỗ. "Nếu bán trong nước không hết, chúng tôi sẽ xuất khẩu", vị giám đốc tâm huyết nói.

Từ bỏ ý định sản xuất, lắp ráp xe con,Vinamotor sẽ tập trung nâng cao chất lượng xe khách và xe tải. Doanh nghiệp này cũng đang đàm phán với một số đối tác để góp vốn đầu tư ra nước ngoài. "Tổng công ty đã xuất 40 xe khách sang châu Phi, hợp đồng còn 40 xe nữa nhưng chưa xuất được do chi phí vận chuyển quá cao. Đầu tư ra nước ngoài sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển, đồng thời cũng là một cách để mở rộng thị trường", Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Khoa cho hay.

Nhận định về cục diện công nghiệp ôtô trong thời gian tới, ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ khí Luyện kim và Hóa chất (Bộ Công nghiệp) cho rằng doanh nghiệp nào đầu tư có bài bản, chuyển giao công nghệ, chất lượng tốt, sẽ được thị trường chấp nhận. Doanh nghiệp nào làm ăn chụp giựt thì chỉ một thời gian ngắn là phải từ bỏ.

(Theo Vnexpress)